Chủ nghĩa tư bản và Marx Lịch_sử_tư_tưởng_kinh_tế

Karl Marx đưa ra những phê bình trọng yếu với kinh tế học cổ điển dựa trên học thuyết giá trị lao động.

Giống như cụm từ "chủ nghĩa trọng thương" chỉ trở nên nổi tiếng bởi những người chỉ trích nó, như Adam Smith, cụm từ "chủ nghĩa tư bản" được sử dụng bởi những người chỉ trích, đáng kể nhất là Karl Marx. Karl Marx (1818–1883) đã là, và trên nhiều phương diện vẫn đang là nhà kinh tế học trụ cột của kinh tế học xã hội chủ nghĩa. Sự kết hợp học thuyết chính trị của ông, được trình bày trong Tuyên ngôn Cộng sảnchủ nghĩa duy vật biện chứng được tạo cảm hứng từ Friedrich Hegel mang tới những phê bình mang tính cách mạng với chủ nghĩa tư bản theo đánh giá của Marx trong thế kỷ 19. Phong trào xã hội chủ nghĩa mà ông tham gia xuất hiện như lời đáp lại tình trạng cùng khổ của người công nhân trong giai đoạn đầu công nghiệp hóa và kinh tế học cổ điển đi kèm với cuộc cách mạng công nghiệp đó. Marx viết kiệt tác Tư bản luận tại thư viện của Bảo tàng quốc gia Anh.

Bối cảnh

Cùng với Marx, Friedrich Engels là đồng tác giả Tuyên ngôn cộng sản và tập hai của Tư bản luận.

Robert Owen (1771–1858) là nhà công nghiệp đầu tiên quyết tâm cải thiện điều kiện sống của người công nhân. Ông mua các nhà máy dệt ở New Lanark, Scotland, nơi ông cấm trẻ em dưới 10 tuổi làm việc, ấn định thời gian làm việc từ 6 giờ sáng tới 7 giờ tối và cung cấp các lớp học ban đêm cho trẻ em khi các em làm xong việc. Những biện pháp nhỏ giọt đó vẫn giúp cải thiện đáng kể đời sống người lao động và việc kinh doanh của ông phát đạt nhờ năng suất cao hơn, dù tiền lương ông trả thấp hơn mức trung bình trên cả nước lúc đó.[37] Ông trình bày nhãn quan của mình trong tác phẩm The New View of Society (1816, Quan điểm mới về xã hội) trong giai đoạn thông qua đạo luật về nhà máy ở đảo Anh, nhưng rốt cuộc nỗ lực xây dựng một cộng đồng utopia (xã hội tốt đẹp không tưởng) mới của ông ở New Harmony, Indiana kết thúc trong thất bại.

Một trong những người khác có ảnh hưởng lớn tới Marx là nhà xã hội chủ nghĩa/vô chính phủ người Pháp Pierre-Joseph Proudhon. Phê phán gay gắt chủ nghĩa tư bản và muốn thay thế bằng liên đoàn các công nhân lao động, nhưng Proudhon cũng phản đối những nhà xã hội chủ nghĩa đương thời muốn tập trung hóa các hiệp hội do nhà nước điều hành. Trong tác phẩm Hệ thống của những mâu thuẫn kinh tế (1846), Proudhon chỉ trích nhiều mặt của chủ nghĩa tư bản, phân tích các tác động trái ngược của việc cơ giới hóa, cạnh tranh, quyền tư hữu tài sản, độc quyền và các khía cạnh khác của nền kinh tế.[38][39] Thay vì chủ nghĩa tư bản, ông muốn một hệ thống cùng có lợi "dựa trên sự bình đẳng, nói cách khác, sự tổ chức của lao động trong đó vô hiệu hóa kinh tế chính trị và chấm dứt quyền tư hữu." Trong cuốn sách Quyền tư hữu là gì? (1840), ông lập luận rằng quyền tư hữu chẳng khác gì hành vi ăn cắp, một quan điểm khác với kinh tế gia cổ điển John Stuart Mill, người cho rằng "đánh thuế mới là ăn cáp ".[40] Tuy nhiên, vào cuối đời, Proudhon thay đổi một số quan điểm trước kia của ông. Trong tác phẩm được xuất bản sau khi đã qua đời Học thuyết về quyền tư hữu, ông lập luận rằng "quyền tư hữu là quyền lực duy nhất có thể trở thành đối trọng với quyền lực nhà nước."[41]

Friedrich Engels, một tác giả có tư duy cấp tiến, đã xuất bản cuốn sách với nhan đề Tình cảnh giai cấp công nhân Anh năm 1844[42] mô tả địa vị của người lao động làm công ăn lương "là số phận bi đát nhất không thể che giấu trong những đau khổ của đời sống xã hội thời đại chúng ta." Sau khi Marx qua đời, Engels là người hoàn tất tập hai cuốn Tư bản luận từ những ghi chú của Marx.

Tư bản luận

Trang bìa lần in thứ nhất của cuốn Tư bản luận bằng tiếng Đức.

Karl Marx bắt đầu cuốn Tư bản luận với khái niệm về hàng hóa.Trước các xã hội tư bản chủ nghĩa, theo Marx, là hình thái sản xuất dựa trên lao động nô lệ (chẳng hạn như ở xã hội La Mã cổ đại) trước khi chuyển sang chế độ nông nô phong kiến (chẳng hạn như châu Âu Trung cổ). Khi xã hội tiến bộ hơn, các mối quan hệ kinh tế lỏng lẻo hơn, nhưng dòng chảy lao động dễ dàng hơn cũng dẫn tới tình trạng bất ổn và đời sống khó khăn cho người lao động, tạo những điều kiện cho cách mạng. Mọi người mua và bán sức lao động giống như cách họ mua hàng hóa và dịch vụ. Con người do đó cũng là một thứ hàng hóa thông qua sức lao động, như ông viết trong Tuyên ngôn Cộng sản,

Lịch sử của tất cả các xã hội từng tồn tại là lịch sử đấu tranh giai cấp. Người tự do và nô lệ, quý tộc và bình dân, lãnh chúa và nông nô, trưởng phường hội và thợ thủ công, nói cách khác, những kẻ áp bức và những người bị áp bức, đứng ở hai mặt trận đối lập nhau… Xã hội tư sản hiện đại bắt nguồn từ tàn tích của xã hội phong kiến cũng chưa thoát khỏi cuộc đấu tranh giai cấp. Nhưng xã hội đó đã hình thành những giai cấp mới, với những điều kiện mới cho áp bức, những điều kiện mới cho đấu tranh thay cho những điều kiện cũ.

Cũng từ trang đầu của cuốn Tư bản luận,

Sự giàu có của các xã hội ở tình trạng tư bản chủ nghĩa đã chiến thắng, nhờ sự tập trung lớn về hàng hóa,[43] Đơn vị của xã hội đó là một hàng hóa đơn lẻ. Nên việc tìm hiểu của chúng ta phải bắt đầu tư phân tích một hàng hóa.

Cách sử dụng từ "hàng hóa" của Marx gắn với cuộc tranh luận siêu hình học về bản chất của cải vật chất, làm sao để đạt được của cải và nên sử dụng của cải như thế nào. Khái niệm một hàng hóa đối lập với khái niệm về sự vật trong thế giới tự nhiên. Khi một người sử dụng lao động đối với một sự vật, nó trở thành "hàng hóa". Trong thế giới tự nhiên có cây cối, kim cương, quặng sắt và con người. Trong thế giới kinh tế học chúng trở thành bàn ghế, nhẫn, các nhà máy và người lao động. Tuy nhiên, theo Marx, hàng hóa có hai bản chất, hai giá trị. Ông phân biệt giá trị sử dụng với giá trị trao đổi của hàng hóa.[44]

Giá trị sử dụng của hàng hóa có nguồn gốc từ hàm lượng lao động sản xuất ra nó, theo Marx, theo như các nhà kinh tế học cổ điển trong học thuyết giá trị lao động. Tuy nhiên, Marx không tin rằng lao động là nguồn gốc duy nhất của giá trị sử dụng của hàng hóa. Ông tin rằng giá trị có thể xuất phát từ các hàng hóa tự nhiên và định nghĩa lại giá trị sử dụng của hàng hóa là "thời gian lao động xã hội cần thiết" (thời gian mà người lao động cần để sản xuất ra hàng hóa).[45] Hơn nữa, con người thường có khuynh hướng đánh giá cao giá trị của một số thứ, chẳng hạn vì sự sùng bái hàng hóa đối với kim cương,[46] một mối quan hệ có tính áp bức đối với việc sản xuất hàng hóa này xuất hiện. Hai nhân tố này khiến cho giá trị sử dụng và giá trị trao đổi của hàng hóa là rất khác nhau. Một mối quan hệ áp bức, theo Marx, xuất hiện trong cả việc sử dụng và trao đổi lao động, trong những mặc cả về lượng lao động-tiền lương xuất phát từ thực tế là người chủ lao động trả cho người làm công của họ số tiền tương ứng với "giá trị trao đổi" thấp hơn nhiều so với "giá trị sử dụng" thực sự của sức lao động. Sự khác biệt này tạo ra lợi nhuận cho các nhà tư bản, hay theo thuật ngữ của Marx, giá trị thặng dư.[47] Vì vậy, Marx tuyên bố, chủ nghĩa tư bản là một hệ thống bóc lộc.

Marx giải thích cho tình trạng bùng nổ rồi suy thoái của nền kinh tế, như cuộc khủng hoảng 1873, là do tính bất ổn mãn tính trong các nền kinh tế tư bản chủ nghĩa.

Công trình của Marx làm thay đổi hoàn toàn học thuyết giá trị lao động mà các kinh tế gia cổ điển từng sử dụng. Sự châm biếm cay đắng của ông đi xa tới mức đặt câu hỏi về thời gian lao động xã hội cần thiết để sản xuất ra chính lao động (tức là người lao động). Marx trả lời rằng giá trị này chỉ ở mức tối thiểu đủ để người lao động sống sót để tái tạo các kỹ năng cần thiết cho nền kinh tế.[48] Người lao động do đó bị tách rời khỏi thành quả của sản xuất và các phương tiện để họ nhận ra tiềm năng thực sự của mình, vì họ ở vào vị thế bị áp bức trên thị trường lao động. Nhưng cùng lúc với tình trạng bóc lột và tách người lao động khỏi thành quả lao động của họ, mới có thể diễn ra sự tích lũy tư bảntăng trưởng kinh tế. Người chủ lao động chịu sức ép cạnh tranh liên tục từ thị trường yêu cầu họ phải bóc lột lao động nhiều hơn, và những giới hạn trong việc đầu tư vào các công nghệ thay thế lao động giản đơn (như các dây chuyền robot). Điều này làm tăng lợi nhuận và thúc đẩy tăng trưởng, nhưng lợi nhuận rơi vào những người có quyền tư hữu về tư liệu sản xuất. Giai cấp lao động trong khi đó đối mặt với tình trạng bị bần cùng hóa liên tục vì bị tước đoạt các sản phẩm do lao động của họ làm ra, do bị tách rời với tư liệu sản xuất. Thêm vào đó là việc thất nghiệp vì sự xuất hiện của máy móc, họ trở thành đội quân thất nghiệp dự bị ngày càng tăng lên, gây ra áp lực giảm tiền lương và ngày càng nhiều người lao động tuyệt vọng sẽ nhận việc làm với mức lương thấp hơn. Nhưng điều này cũng làm giảm mức cầu vì sức mua sẽ giảm do tiền lương giảm, gây ra tình trạng khủng hoảng thừa, sản xuất sẽ bị cắt giảm, lợi nhuận giảm xuống cho tới khi tích lũy tư bản dừng lại vì một cuộc suy thoái kinh tế. Khi cuộc khủng hoảng thừa kết thúc, nền kinh tế lại bắt đầu tăng trưởng và bắt đầu chu kỳ bùng nổ tiếp theo. Với mỗi chu kỳ kinh tế như thế, đi kèm các cuộc khủng hoảng của kinh tế tư bản chủ nghĩa, theo Marx, xung đột về mặt giai cấp giữa các tầng lớp tư bản ngày càng giàu và người lao động ngày càng nghèo sẽ tăng lên. Hơn nữa, các công ty nhỏ bị các công ty lớn thôn tín trong các chu kỳ kinh doanh, và quyền lực kinh tế ngày càng tập trung vào một số ít người. Rốt cuộc, điều này sẽ dẫn tới một cuộc cách mạng do Đảng Cộng sản lãnh đạo để hình thành nên một xã hội không giai cấp. Marx không bao giờ đề cập đến việc quá trình này diễn ra ra sao. Đóng góp chính của ông không phải là việc một xã hội mới sẽ như thế nào, mà là sự phê bình với xã hội đương thời mà ông chứng kiến.

Sau Marx

Tập một cuốn Tư bản luận là phần duy nhất mà Marx tự ông xuất bản. Tập hai và ba được hoàn thành với sự giúp đỡ của Friedrich EngelsKarl Kautsky, một người bạn của Engels và cũng là người đóng góp chính cho việc xuất bản tập bốn.

Marx bắt đầu cho một truyền thống các nhà kinh tế học tập trung một cách tương xứng vào những vấn đề chính trị, ngoài vấn đề kinh tế. Cũng ở Đức, Rosa Luxemburg là một thành viên của Đảng Dân chủ Xã hội Đức, sau này trở thành thành viên Đảng Cộng sản Đức vì lập trường của đảng này trong chiến tranh thế giới thứ nhất. Beatrice Webb ở Anh cũng là một nhà xã hội chủ nghĩa đã góp phần xây dựng cả Trường Kinh tế London lẫn Hội Fabian.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Lịch_sử_tư_tưởng_kinh_tế http://socserv2.mcmaster.ca/~econ/ugcm/3ll3/veblen... http://www.dictionaryofeconomics.com/article?id=pd... http://www.lewrockwell.com/rothbard/rothbard200.ht... http://anarchism.pageabode.com/pjproudhon/system-o... http://anarchism.pageabode.com/pjproudhon/system-o... http://www.time.com/time/magazine/article/0,9171,8... http://www.youtube.com/watch?v=UzhD7KVs-R4 http://www.youtube.com/watch?v=jNgfIH5pyxg http://www.youtube.com/watch?v=muUjNWIeDZg http://homepage.newschool.edu/het//profiles/malthu...